CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VĨNH PHÚC
  • en vi
  • Tư vấn & báo giá

    Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021

  • Ngày 26/09/2021
  • Tháng Tám, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam và thành phố Hà Nội; để đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các
    ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Với sự chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bùng phát ở bên trong; tỉnh luôn duy trì, tăng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc là “Vùng Xanh” trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”,… Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; tình hình kinh tế - xã hội, trên địa bàn tiếp tục ôn định và phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Cụ thể:

    Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất tháng 8 ước tăng 4,60% so với tháng trước, song vẫn tiếp tục đà giảm với mức giảm 6,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,18%. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn đạt mức tăng 15,23% so với 8 tháng đầu năm 2020, trong đó có tới 17/24 ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,14%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 28,28%; ngành sản xuất trang phục tăng 10,88% và ngành sản xuất giày da tăng 17,73%... nhưng cũng có 7/24 ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ: ngành khai khoáng khác giảm 19,14%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 11,4%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 24,4%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản xuất tháng 8 tăng so với tháng trước như: doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 8,62%; xe máy các loại tăng 5,06%; quần áo các loại tăng 3,44%... và có một số nhóm sản phẩm có sản lượng giảm như: máy điều hòa không khí giảm 9,51%; điện thương phẩm giảm 1,07%; xe ô tô các loại giảm 15,56% (do thị trường tiêu thụ các tỉnh phía nam gặp khó khăn, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nên công ty Toyota, Honda giãn tiến độ sản xuất)... Tính chung Tám tháng đầu năm, ngoài sản lượng máy điều hòa không khí giảm 24,69% và xe máy các loại giảm 6,01%, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó, xe ô tô các loại tăng 28,28%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,14%; giày, dép thể thao tăng 17,73%; thức ăn gia súc tăng 3,28%; quần áo các loại tăng 11,27% so với cùng kỳ.

    Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản: Diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa ước đạt 31.967 ha, đạt 99,9% kế hoạch và giảm 1,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích lúa ước đạt 23.890 ha, giảm 0,37%; diện tích ngô ước đạt 1.655 ha, tăng 3,1%... Quy mô đàn trâu toàn tỉnh tăng 0,11%, đàn bò giảm 0,27%, riêng bò sữa tăng 6,24% đàn gia cầm tăng 0,87%, đàn lợn tăng 17,95% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi trong
    tháng 8 ước đạt 120,5 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò đạt 486,9 tấn, tăng 1,69%; sản lượng sữa bò tươi đạt 4.000 tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng 25,0%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 6.700 tấn, tăng 9,62%; thịt gia cầm hơi đạt 2,99 nghìn tấn, tăng 4,01%; sản lượng trứng gia cầm 48,55 triệu quả, tăng 6,96% so với tháng 8/2020. Diện tích rừng trồng mới tập trung của tỉnh ước đạt 548,9 ha, đạt 78,41% kế hoạch năm và tăng 3,78% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.094,78 tấn, tăng 3,46% so ới cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 243,52 tấn, giảm 3,59%.

    Các ngành dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tăng 1,99% so với tháng trước và giảm 8,40% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm đạt 35.423,9 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 trên địa bàn giảm 0,56% so với tháng trước và tăng 0,41% so với cùng kỳ. So với tháng trước, CPI giảm chủ yếu ở 4 nhóm gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,83%; may mặc, mũ nón
    và giày dép giảm 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,12%; giao thông giảm 0,60%; Các nhóm còn lại có chỉ số giá ôn định và biến động tăng nhẹ.Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 ước đạt 254,4 tỷ đồng, giảm 2,89% so với tháng trước và giảm tới 31,69% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đầu năm, ước đạt 2.390,2 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng ước đạt 96,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,36% so với cuối năm 2020, lãi suất cho vay trên địa bàn phô biến từ 4-9,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phô biến từ 0,1-6,5%/năm đối với từng kỳ hạn.

    Thu – chi ngân sách nhà nước: Kết quả tính đến 31/8/2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.220 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và đạt 76% so dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 19.880 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ và đạt 74% so với dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 9.144 tỷ đồng, bằng so với cùng kỳ và đạt 51% so với dự toán.

    Thu hút đầu tư 8 tháng đầu năm tỉnh đã cấp mới cho 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 779,5 triệu USD (trong đó Hàn Quốc là nước dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào tỉnh với 15 dự án và lĩnh vực công nghiệp, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn với tổng vốn đăng ký cấp mới là 779,39 triệu USD); ngoài ra tỉnh cũng thực hiện đăng ký tăng vốn cho 21 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng là 116 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 896 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp mới cho 14 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 9.629 tỷ đồng, tăng vốn cho 10 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng là 1.691 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn DDI đạt 11.320 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2021 số dự án FDI còn hiệu lực là 426 dự án với tổng vốn đầu tư 7,014 tỷ USD và 816 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 104.706 tỷ đồng.

    Tình hình đăng ký doanh nghiệp: toàn tỉnh có 794 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 8.423 tỷ đồng, giảm 8,1% về số doanh nghiệp nhưng tăng 33,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 289 doanh nghiệp, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2021 lên 1.083 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có đăng ký là 415 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó, số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 350 doanh nghiệp, tăng 17,4%; số hoàn tất thủ tục giải thể là 65 doanh nghiệp, tăng 18,2%.

    Hoạt động văn hóa thể thao trong tháng bắt buộc dừng hoặc tạm hoãn theo chỉ đạo của tỉnh để phòng, chống dịch. Ngành Văn hóa và Thể thao đã chủ động trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm  ra các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao yêu cầu thực hiện nghiêm túc và tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch.

    Giáo dục và Đào tạo:  Sau hai tháng tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống được hoạt động trở lại từ ngày 03/7/2021. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, điểm bình quân của tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ năm toàn quốc. Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế và kỳ thi  Olympic Sinh học Quốc tế tỉnh có 02 học sinh tham dự và đoạt 01 Huy chương Bạc môn Sinh học và 01 Huy chương Đồng môn Toán. Tỉnh đã ban hành kế hoạch tựu trường, chỉ đạo các trường hoàn thiện cơ sở vật chất cho năm học mới và tổ chức khai giảng trực tuyến vào ngày 5/9/2021.

    Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Trong tháng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Song hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam với tốc độ lây lan rất nhanh. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc có số người đi làm ăn, sinh sống trong khu vực này là rất lớn và đang có nhu cầu trở về tỉnh.
    Trước tình hình đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí, phương tiện và các điều kiện tốt nhất để đưa, đón và chăm sóc người lao động xa quê có nhu cầu trở về địa phương. Đến nay, tỉnh đã cử 04 đoàn công tác chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch; triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

    Nguồn:  Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (sokhdt.vinhphuc.gov.vn)

      Bài viết liên quan